• youtube
  • facebook

Đầu năm hành hương về chùa Xiêm Cán - ngôi chùa cổ và đẹp bậc nhất miền Tây

Nói không ngoa khi bất cứ ai cũng phải thốt lên trước vẻ đẹp uy nghi quá đỗi trác tuyệt của chùa Xiêm Cán - một trong những ngôi chùa Khmer lớn và đẹp lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ.

Tọa lạc tại xã Hiệp Thành, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, chùa Xiêm Cán là một ngôi chùa của người Khmer, có kiến trúc giống những ngôi chùa Khmer khác ở Trà Vinh và Sóc Trăng. Tuy không phải là ngôi chùa cổ nhất, nhưng có thể coi chùa Xiêm Cán là một trong những ngôi chùa Khmer được liệt vào danh sách những ngôi chùa lớn – đẹp và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer tại vùng Nam bộ. Chính vì vì vậy, chùa Xiêm Cán luôn tạo được một ấn tượng khó quên trong lòng du khách mỗi khi đến tham quan. 

Chạy dọc theo con đường đi qua vườn nhãn cổ ở Bạc Liêu, khoảng 7km, bạn sẽ tới chùa Xiêm Cán. Ngay từ đằng xa, hình ảnh chùa đã hiện ra trong mắt bạn với màu sắc nổi bật dưới ánh nắng của “xứ cơ cầu”. Bao quanh chùa là một hàng rào xây kiên cố, với nhiều hoa văn ấn tượng. Trong khuôn viên là có rất nhiều cây xanh cao to che bóng được trồng ngay hàng thẳng lối. Cổng chùa Xiêm Cán đắp nổi nhiều hoa văn tỉ mỉ, nổi bật, đậm sắc thái Khmer. (Ảnh: trd.hao)

Du khách có dịp đến hành hương tại đây sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước một khuôn viên chùa bao la rộng lớn. Một không gian yên tĩnh, bầu trời trong xanh, nắng vàng, không khí trong lành, không hề nhuốm chút bụi trần…làm cho tâm hồn du khách cảm thấy thư thái lạ thường. (Ảnh: Ngô Thiệu Phong)

Từng hạng mục trong khuôn viên chùa đều là những công trình đặc sắc, tiêu biểu cho lối kiến trúc đặc trưng của người Khmer Nam bộ. Trong đó, nổi lên tiêu biểu với vẻ đẹp lộng lẫy của gian chính điện, hiên ngang đang ngày đêm khoe sắc với trời xanh, nằm ngay trung tâm của khuôn viên. (Ảnh: tourmientayvietnam.com)

Chùa Xiêm Cán xây dựng vào năm 1887, là một quần thể kiến trúc gồm chính điện, sala, nhà ở của các sư sãi, tháp đựng hài cốt, am…(Ảnh: Báo Hải Quan)

Chùa Xiêm Cán có Sala là giảng đường, nhà hội xây mới vào năm 1997 bằng tiền của các Phật tử quyên góp. Trên Sala có khắc tượng hình Xanac dắt con bạch mã đưa thái tử Sidatta qua sông tìm đường giác ngộ. Trong sala có bàn thờ Phật và bàn ghế để tín đồ bàn bạc, nghỉ ngơi trước khi lên chánh điện. Vách trần sala được trang trí các họa tiết, bích họa khá công phu. (Ảnh: Nguyentatphuc)

Trên mái vòm, tường và cầu thang chùa đều chạm trổ họa tiết có hình rắn 5 đầu, vì dân tộc Khmer quan niệm rằng tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật đã thuần hóa được loài vật nguy hiểm này. Ngoài ra, còn có các phù điêu là hình tiên nữ và những quái vật khác, là những thử thách đối với Phật tử trong quá trình luyện chân tu. (Ảnh: Nhiennguyen7)

Tháp chuông cổ, trên tầng 2 là nơi thờ xá lị. (Ảnh: Zing.vn)

Chùa mang kiến trúc Angkor của người Campuchia, thể hiện ở những họa tiết nơi mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. (Ảnh: Zing.vn)

Bên trong chánh điện thờ Đức Phật và trang trí những hình vẽ quá trình tu hạnh của Phật. (Ảnh: Hải Yến)

Hai bên chánh điện là nhiều tháp cốt và một nhà hỏa thiêu nằm dưới những tán cây mát rượi. Những tháp cốt này có cái được sơn phết và trang trí hoa văn rất đẹp, nhưng cũng có cái cổ kính trầm mặc với màu cũ kỹ, rêu phong, tạo nên sự sinh động về màu sắc và không khí trầm mặc của những tháp mộ trong chùa. (Ảnh: Hải Yến)

Mái chùa được cấu trúc thành nhiều tầng lớp chồng lên nhau, tạo ra khoảng không gian cao vút, hòa với đỉnh nhọn như một chóp tháp. (Ảnh: Báo Hải Quan)

Chùa Xiêm Cán nói riêng và chùa Khmer nói chung là trung tâm văn hóa của người Khmer. Đây không chỉ là nơi thờ cúng, tu đạo mà còn là nơi dạy chữ Khmer và tổ chức các lễ hội lớn của dân tôc. Chính vì vậy, người Khmer rất coi trọng và tự hào về ngôi chùa của mình. Họ cố gắng xây dựng cho những ngôi chùa ngày càng to và đẹp hơn. (Ảnh: Báo Hải Quan)

create

Vũ Vũ (TH) / Tin nhanh Online